Trong gian nhà tầng trệt, một dãy bàn kê sát từ trong ra ngoài. Phía trong cùng là một tấm bảng. Đứng trước bảng, một cô gái 25-26 tuổi đang thao thao giảng về Luật hình sự, Luật dân sự, Luật hành chính..., thế nào là tội phạm, thế nào là phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, thế nào là đồng phạm và phạm tội có tổ chức...
Bên dưới, gần 20 chàng trai ngồi nghe chăm chú. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành và lần đầu tiên được học luật ở một nơi không phải trường học mà là võ đường! Bên trái, trước cầu thang cuốn, một vệ sĩ nai nịt trang phục, nói tiếng Nghệ, vừa trông xe, đón khách vừa canh gác. Một giờ sau, vẫn là lớp học của những chàng trai nhưng cô giáo khác bước vào dạy tiếng Anh.
Cả lớp lại say sưa đọc ê a như học sinh tiểu học. Một nữ nhân viên giúp việc võ đường rót nước mời khách, bảo đó là lớp huấn đạo vệ sĩ và bảo vệ của anh Hòa. “Để trở thành vệ sĩ, các môn sinh vào đây không chỉ phải học giỏi võ mà bắt buộc phải học đủ sáu chương trình: phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, luật, ngoại ngữ, nghiệp vụ bảo vệ, đặc biệt nghệ thuật giao tiếp ứng xử. Giáo viên dạy ngoại ngữ, pháp lý, tâm lý... của võ đường toàn người tốt nghiệp đại học, sau đại học”. Đây là lớp đào tạo vệ sĩ thứ sáu của võ sư Hòa.
Từ đứa trẻ mồ côi...
Võ sư Hòa bắt tay tôi trong căn phòng làm việc giản dị đầy bằng khen, huy chương, tranh ảnh, hiện vật kỷ niệm. Trông tướng mạo anh không giống một võ sư râu dài trán rộng, cũng không giống một giám đốc tai to mặt lớn. Hòa mới chỉ ngoài 30, cao 1,65m, nặng chưa đầy 50kg, xương xương với gương mặt già trước tuổi!
Một tuổi thơ buồn, cơ cực nơi ngôi làng nghèo trơ sỏi đá thuộc xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) mãi ám ảnh chàng võ sư. Cha Hòa đã bỏ mặc vợ và con thơ cơ hàn, túng đói. Năm 1989, mẹ Hòa mất đột ngột sau cơn bạo bệnh, giao lại cho Hòa (đang học lớp 10) gánh nặng nuôi ba đứa em. Hòa bỏ học, gửi lại hai đứa em thứ ở làng, ôm đứa út ra Hà Nội. Không nhà, không cơm ăn, Hòa gửi em gái vào một trại mồ côi ở Đông Anh (Hà Nội). Anh mua một cái bơm xe ra đứng vỉa hè đường Giải Phóng. Mỗi ngày bơm xe chỉ được 1.000-2.000 đồng, anh nhảy sang bán thuê nước khoáng Kim Bôi. Một năm sau, tích cóp được ít tiền, anh trở lại Nghệ An nuôi hai đứa em và rắp tâm quay lại học. Nhưng được tin đứa em út trong trại mồ côi sắp được đưa ra nước ngoài làm con nuôi, Hòa tức tốc quay ra Hà Nội đón em về vì “sợ không bao giờ còn gặp lại em tôi nữa”.
Suốt tuổi thơ cơ hàn chăn trâu cắt cỏ, Hòa đã khát khao trau dồi võ thuật, bởi họ Nguyễn Sĩ của anh là một dòng họ truyền thống binh pháp, có nhiều võ tướng. Từ lúc nhỏ anh đã tự hỏi: tại sao dòng họ của anh không có thêm người nối tiếp kỳ tích cha ông? Giấc mộng trở thành chủ một võ đường sáng danh có nhiều môn đệ đã nảy trong đầu anh từ đó. Ngày ngày cậu bé Hòa tranh thủ mua sách võ để đọc. Từ sách, Hòa nhận ra nhiều triết lý. Anh tôn sùng võ sư Oyama (Nhật Bản), người chặt gãy 48 đôi sừng bò rừng, công phá 30 viên ngói, một viên đá xanh dày 2cm.
Năm đầu tiên thi đại học không đỗ, Hòa giã từ sới võ, cắp túi lên Hà Nội làm đủ thứ nghề trần ai để ôn thi. Từ rửa bát thuê, đánh hồ, trông xe đến bán nước mắm, nắm than tổ ong... Từ Khâm Thiên anh đạp xe xuôi thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) đóng than tổ ong, phải đứng bên máy dập 6-7 giờ liên tục, mặt mày đen như phu than, mỗi ngày chỉ được 10.000 đồng. Bỏ đóng than sang bốc vác ximăng. Đêm đêm anh rạp mình cõng ximăng từ tầng một lên tầng bảy các tòa nhà đang thi công. Sự tủi nhục đã rèn cho anh lòng kiên nhẫn, dạy cho anh những bài học về cần lao, khiêm nhường giản dị và một ý chí tiến thủ!
Năm 1996, Hòa thi đỗ khoa luật Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, nhưng ngay từ ngày đầu bước vào giảng đường anh vẫn không lúc nào nguôi giấc mộng trở thành chủ võ đường. Bốn năm sống tại KTX Mễ Trì, một buổi học, một buổi anh đạp xe lóc cóc xuống tận xã Hữu Hòa (Hà Tây) dạy võ thuê. Mỗi tháng chỉ được 150.000 - 200.000 đồng, không đủ sống nhưng anh vẫn không ngừng “tầm sư học đạo” trau dồi võ thuật và tìm cơ hội.
Cơ may đã giúp anh gặp một số võ sư nổi tiếng trong làng võ thuật VN, trong đó có võ sư Đoàn Đình Long - một người tài năng, đức độ, được nhiều môn sinh bái cảm trước sự can trì võ luyện để thắng tật bệnh. Được nhận vào dạy ở CLB Võ thuật Hà Nội, Hòa kiên trì rèn luyện và trở thành một HLV đẳng cấp. Rồi anh mở CLB dạy võ tại Hà Nội, mang thương hiệu chính anh. Sau vài năm, lượng môn sinh thu nạp đông lên, CLB của anh trở thành võ đường Ngọc Hòa và mới đây là Công ty võ đường Ngọc Hòa.
Đến chủ một võ đường hơn 17.000 môn sinh
Trong khuôn viên KTX Mễ Trì (đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân) chiều nào cũng có một dàn người mặc võ phục mang thương hiệu “võ đường Ngọc Hòa” múa quyền. Đây là CLB võ thuật Hòa mở đầu tiên, gọi là CLB karatedo ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau đó anh thành lập thêm hai CLB tại ĐH Kiến trúc và ĐH Kinh tế quốc dân.
“Những ngày đầu đi mở lớp dạy võ, đâu cũng từ chối tôi - Hòa tâm sự - Không chỉ Hà Nội, các sới dạy võ ngay tại Nghệ An cũng từ chối. Hồi đó nhiều nơi rộ lên phong trào học võ. Nhưng trong quan niệm nhiều người, học võ là để đánh nhau, trộm cắp, cướp giật nên các lò dạy võ, các võ sư bị kỳ thị”. Có thầy võ từng mở lò rầm rộ, thu tiền xong lặn một mạch. Trong các lò võ quê anh từng có “tiền sự” võ sư phạm pháp, chính quyền phải “ghê”, lên kế hoạch cấm. Nhưng Hòa nghĩ anh phải trả lại thanh danh cho karate, phục hồi truyền thống võ đạo Tân Kỳ, nên âm thầm chiêu mộ môn sinh, truyền thụ võ thuật và hướng đạo cho tất cả môn sinh phải sống đúng tinh thần thượng võ.
Năm 1998, Hòa bỏ tiền túi đưa môn đệ xuôi thành phố Vinh (Nghệ An) thi giải karate cấp tỉnh. Thầy trò chân không dép, không dám thuê nhà, phải căng bạt ngủ dưới chân núi chờ ngày ra tranh giải. Cảnh tượng khiến nhiều người cảm phục.
Năm sau, Sở TDTT Nghệ An chính thức cấp giấy phép cho Hòa mở CLB võ thuật tại Trung tâm văn hóa thể thao Tân Kỳ. Từ mô hình trên, Hòa nhân rộng CLB sang nhiều xã. Đến nay, chỉ tính riêng ở Nghệ An, võ đường Ngọc Hòa đã có tới 18 CLB. Môn sinh của anh “nhiều như kiến”! Tổng cộng hiện anh nắm tới 23 CLB võ thuật do 76 HLV và trợ giáo đảm nhận, hơn 17.000 võ sinh tại Hà Nội, Nghệ An. Võ đường Ngọc Hòa trở thành võ đường đông môn sinh nhất VN.
Tháng 4-2004, theo phong tục, Hòa mừng lễ 10 năm thành lập võ đường, mướn hẳn một quả đồi tại Tân Kỳ (nơi xưa kia Hòa khởi sới lập nghiệp võ), san phẳng để môn sinh tác luyện. Môn sinh trong võ phục chỉnh tề, đứng từ chân đồi lên đỉnh đồi. Hòa thị phạm vài thế võ cho môn sinh và ôn lại tinh thần “học võ để tu đạo, cứu đời”. Trong những năm tháng gian truân, không chỉ học võ, Hòa còn mài nhẵn đầu trên sách. Từ sách, từ võ anh hiểu rằng chân võ là đạo và bây giờ mở võ đường đón môn sinh để truyền đạo cho giới trẻ!
Bận rộn nhưng mỗi năm kỳ tranh giải anh đều dẫn môn sinh đi thi. Năm 2001, tại giải karate Hà Nội mở rộng, môn sinh của Hòa đoạt 2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ; gần đây, giải vô địch karate sinh viên toàn quốc năm 2004, môn sinh của Hòa lại giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ.
Võ đường Ngọc Hòa đã trở thành một “thương hiệu” ở miền Bắc. Năm 2003, thương hiệu “võ đường Ngọc Hòa” đã được Cục Sở hữu trí tuệ VN bảo hộ độc quyền trên toàn lãnh thổ VN. Ngoài chiêu mộ, đào tạo võ sinh, HLV võ thuật, anh còn mở thêm các lớp huấn đạo vệ sĩ, bảo vệ theo giấy phép của Công an Hà Nội.
Các lớp vệ sĩ mở liên tục, một phần lựa chọn từ nhu cầu tự do của học viên, một phần tuyển lọc từ hơn 17.000 môn sinh đang đào tạo tại các CLB. Trong hai năm, Hà Nội mọc lên nhiều trung tâm đào tạo vệ sĩ, nhưng chỉ có dăm nơi đào tạo bài bản và tự lo đầu ra cho học viên như võ đường của anh. Bởi vậy lượng học viên nhập môn đông.
Hòa đào tạo vệ sĩ rất qui củ, bởi anh hiểu vệ sĩ là thành phần nhạy cảm, phải giúp đời, cứu được người. Vì thế, không chỉ trang bị kỹ năng, trình độ mà phải khơi được cốt cách “nhân, trí, dũng”, trong đó tâm và đức là tối thượng. Bước chân nhập môn, tất cả học viên đều phải trở thành những võ sinh giỏi, sau đó được tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy (chữa cháy bằng bột, bình khí; nghiệp vụ giải tán đám đông, dùng thang dây cứu hộ, dập đám cháy) tại Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) - có chứng chỉ; thực hành cấp cứu người chết đuối, bị điện giật; rèn tập thể lực; phổ cập tiếng Anh giao tiếp; đặc biệt được trang bị kỹ năng giao tiếp ứng xử: kỹ năng đón khách, nghệ thuật bắt tay, nghệ thuật nói lời “cảm ơn”. Ngoài ra, theo yêu cầu của người tuyển dụng, tùy khóa vệ sĩ võ đường Ngọc Hòa còn đào tạo thêm cả trình độ lái xe các loại và nghiệp vụ bảo vệ (tuần tra, kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện; bảo vệ mục tiêu, hiện trường cố định, di động, lập các biên bản) cho học viên.
“Tôi mở liên tục các lớp đào tạo vệ sĩ mới đủ cung ứng cho các đối tác” - Hòa khoe. Đến thời điểm này, 200 vệ sĩ của võ đường đã ra “lò” mang theo tinh thần thượng võ, chữ tâm, chữ tín, đang tác nghiệp tại nhiều công ty, nhà hàng ở Hà Nội như nhà hàng Cau Đỏ, nhà hàng Seventeen, Công ty Sao Mai, khách sạn Thiên Thai, Công ty áo dài Hà Nội, nhà hàng Lạc Việt... theo hợp đồng giữa võ đường và khách hàng. Mới đây, vệ sĩ của Hòa được mời bảo vệ thành công chương trình “Tôi yêu VN” của Hãng Honda VN. Anh tung ra 40 vệ sĩ bảo vệ trọn vẹn đêm nhạc rock của ban nhạc Bức Tường biểu diễn tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) theo lời mời của ban tổ chức. Vệ sĩ của Hòa “thầu” trọn gói, từ giữ an ninh trật tự trong rạp đến soát vé, phân luồng khán giả ra vào cửa.
Nắm trong tay cả trăm vệ sĩ, HLV, trợ giáo, gần đây Hòa còn mở thêm dịch vụ bảo vệ tính mạng, tài sản theo hợp đồng dài hạn hoặc chớp nhoáng khi có sự cố. Hòa đã lập đường dây nóng. Bất cứ ai gặp nguy kịch bấm vào số 04.5534805 -04.5531889 - 0912173341, Hòa sẽ tung vệ sĩ cơ động đến giải nguy, ứng cứu luôn.
XUYÊN A
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn