Chú bé mồ côi giỏi võ nhờ... phim chưởng
Hòa sinh ra ở huyện miền núi Tân Kỳ, mảnh đất cằn khô, sỏi đá của tỉnh Nghệ An. Bố mẹ bỏ nhau từ khi Hòa mới 3 tuổi... Tuổi thơ Hòa chẳng được vui chơi chạy nhảy như chúng bạn mà phải lao vào làm đủ mọi việc để giúp mẹ, từ chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp việc đồng áng.
Bữa ăn chỉ có củ sắn củ khoai lót dạ cũng chẳng đủ no, có những hôm Hòa phải nhường lại cho em. Nhưng những tháng ngày đói khổ ấy vẫn cho Hòa cảm giác êm đềm bởi được sống trong tình yêu thương của mẹ. Năm Hòa học lớp 10, tai họa ập đến.
Hôm đó mẹ đi làm đồng về, gặp phải một cơn gió độc và bị cảm, sốt nằm mê man. Hòa đến bên giường lay mãi mà mẹ vẫn không tỉnh lại. Cậu nghĩ rằng chắc mẹ chỉ ngất đi thôi, nào có biết bà đã từ giã cõi đời, để lại 4 đứa con thơ dại.
Nhìn bầy em nheo nhóc, Hòa gạt nước mắt khóc mẹ tạm gác chuyện học, để lo cái ăn cho cả nhà. Ngày đi bán kem, bán nước mắm, đêm soi cá, soi ếch, Hòa làm ngày có khi 18 tiếng mà mấy anh em nhiều hôm vẫn đứt bữa.
Lao lực quá, sức khoẻ suy kiệt, Hòa gửi hai đứa em kế cận, nhờ ông chú và hàng xóm trông hộ, còn mình dắt theo em út, vẫy một chuyến xe ra Hà Nội mà trong tay vẻn vẹn chỉ có 30.000 đồng.
Ra Hà Nội, nhờ sự giúp đỡ của người quen, hai anh em Hòa có chỗ ở nhờ một thời gian. Nhưng không thể sống mãi bằng sự cưu mang. Gửi đứa em sang trại trẻ mồ côi Đông Anh, Hòa sắm một bộ đồ nghề vá xe và tự làm nuôi thân.
Lúc đã quen với đường đi lối lại, Hòa chuyển sang làm tiếp thị nước khoáng Kim Bôi. Trầy trật trong cuộc sống mà đồng tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao, lại nhớ 2 đứa em ở quê.
Vừa chân ướt chân ráo về quê, thì nhận được tin, người ta làm thủ tục cho đứa em út đi làm con nuôi người nước ngoài. Tình anh em trỗi dậy, sướng khổ anh em phải có nhau, Hòa quay ra Hà Nội đón em về. Đó là chiều tối 30 Tết năm 1994.
Trải qua những ngày tháng lăn lóc, đói rét, Hòa ngộ ra rằng con đường thoát thân của mình và các em không phải là bán sức lao động nơi đầu đường xó chợ mà phải quyết chí học.
Quay trở lại trường cũ, nhờ sự cảm thông và giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, Hòa được nhận vào học. Học văn hóa cho Hòa những hiểu biết sâu rộng về đời sống nhưng niềm đam mê từ thuở thiếu thời của anh lại là võ thuật.
Và chính võ thuật đã cứu rỗi đời Hòa, giúp chàng trai này thoát khỏi trống rỗng, bế tắc, đói nghèo, vượt qua cám dỗ của danh vọng, vượt qua nỗi cô đơn…
Hòa kể: “Ngay từ nhỏ tôi đã ước mơ trở thành võ sư vì nghe những câu chuyện về các nhân vật anh hùng hào kiệt xả thân vì đại nghĩa mà bà kể. Ngày ấy, tôi thường trốn mẹ theo lũ bạn ra bãi đất sau nhà tập võ.
Vì không có thầy giáo và cũng không có tiền đi học nên tôi chủ yếu bắt chước những hình ảnh xem trong phim võ thuật Hồng Kông đang rất thịnh hành vào lúc đó. Và vì trong phim toàn là những màn bay lộn được dựng lên bằng kỹ xảo nên không ít lần tôi bị sứt đầu mẻ trán. Nhưng tôi vẫn tiếp tục luyện không ngừng”.
Cậu bé mồ côi Nguyễn Viết Hòa tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về võ thuật đến nỗi có thể học được những chiêu thức trong phim võ thuật Hồng Kông và sáng tạo riêng của mình.
Có những đêm Hòa ở trần một mình vận nội công đến sáng. Một lần xem phim “Người không mang họ”, thấy hoàn cảnh mình giống với nhân vật chính Nguyễn Viết Lãm, chàng trai mồ côi ấy đã đổi họ từ Nguyễn Sỹ Hòa thành Nguyễn Viết Hòa.
Làm phụ hồ, bốc vác để học đại học và mở lò võ
Một năm sau ngày mẹ mất, Hòa đã thành lập một võ đường mang tên mình tại trường cấp II, cấp III Lê Lợi, Tân Kỳ, Nghệ An. Anh kể: “Võ đường của tôi lúc mới thành lập giống như là một trò con trẻ nhưng cũng đặt tên là Võ đường Ngọc Hòa, cũng chiêu mộ môn sinh.
Lúc đầu tôi chỉ chiêu mộ được 7 người. Tôi đã rất may mắn vì được thầy hiệu trưởng ủng hộ, thầy khuyến khích cả trường học võ để biểu diễn vào ngày thành lập Đoàn. Thế là tôi trở thành người dạy võ cho cả trường”.
Khi tốt nghiệp xong cấp III, Hòa vẫn ấp ủ mong ước được học võ một cách bài bản nên nộp đơn thi vào trường Đại học Thể dục thể thao nhưng trượt vì không đủ chiều cao.
Hòa lại tiếp tục ôn thi đại học. Để có tiền ôn thi, Hòa làm đủ nghề để kiếm sống, từ phụ hồ, nấu cơm thuê đến bốc vác... rồi đêm đến anh ngủ lại ngoài công trường để tiết kiệm tiền thuê trọ. Năm 1996, Hòa đỗ vào Khoa Luật - Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Hòa lại làm đủ thứ từ rửa bát thuê, làm phụ hồ, đến nắm than tổ ong, trông xe thuê để có tiền ăn học… Cũng trong thời gian này, Hòa tìm cách tiếp cận và được sự dạy bảo của võ sư Phạm Quốc Trọng (Tổng thư ký Liên đoàn Karate Việt Nam, trọng tài đẳng cấp thế giới).
Hòa vui mừng khi gặp được võ sư Đoàn Đình Long, một con người mà từ lâu anh ngưỡng mộ về tài năng và đức độ cũng như chí tiến thủ học võ chiến thắng bệnh tật của ông. Vừa học, Hòa vừa được nhận vào Trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Hà Nội.
Có lòng say mê, lại được các thầy dạy bảo tận tình chu đáo, trình độ võ thuật của Hòa ngày càng hoàn thiện. Anh dần mở rộng các CLB ở Hà Nội dưới cái tên Võ đường Ngọc Hòa. Nhưng con đường mở lò dạy võ quả là “hành lộ nan”, có những lúc đi đến đâu cũng bị từ chối vì trước đây cũng đã từng có người mở lò võ rầm rộ, nhưng khi thu tiền xong thì lặn mất tăm.
Về quê dạy võ lại càng khó khăn hơn. Năm 1998, thầy trò Ngọc Hòa tự túc kinh phí đi thi giải Karate cấp tỉnh.Vào Vinh, mấy thầy trò miền núi đi thi võ lại đi chân trần, không có dép, không có điều kiện thuê nhà phải căng bạt ăn ngủ dưới chân núi Quyết. Những ngày gian khổ càng nung nấu trong Hòa quyết tâm lập nghiệp võ bằng tinh thần võ đạo cao thượng, trung thực, tránh xa những trò khuất tất, chụp giật...
Có lẽ nhờ tinh thần ấy mà cơ nghiệp của Võ đường Ngọc Hòa mới được như ngày hôm nay. Đến năm 2000, Nguyễn Viết Hòa đã thành lập được 55 câu lạc bộ võ thuật với 29.000 võ sinh có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Võ sinh của Võ đường Ngọc Hòa đã mang về từ các giải đấu cấp tỉnh, cấp quốc gia hàng trăm huy chương.
Khi võ đường Ngọc Hòa đã lớn mạnh, Nguyễn Viết Hòa quyết định thành lập công ty có đủ tính pháp nhân để nâng lên một tầm cao mới. Năm 2005, Cty Võ đường Ngọc Hòa đã được Trung tâm sách Những kỷ lục Việt Nam xác lập là Cty dạy võ đầu tiên tại Việt Nam và là Cty có số lượng môn sinh đông nhất nước.
“Cẩm nang” kinh doanh và “võ” của võ sư Nguyễn Viết Hòa
Từ khi “bôn tẩu giang hồ” rồi dấn thấn vào nghiệp võ, chưa bao giờ Hòa đánh nhau với bất cứ ai. Có những lúc ra đường, bị những gã thanh niên ngổ ngáo đâm xe máy làm mình ngã, Hòa cũng chỉ đứng dậy cười hiền. Một nụ cười dường như đã “đắc đạo”? Với Hòa, giờ đây võ thuật đã trở thành võ đạo. Anh đã lập đường dây nóng để bất cứ ai gặp nguy đều có thể bấm vào số 04.2852505 -04.5531889 Hòa sẽ cử vệ sĩ cơ động đến giải nguy, ứng cứu... |
Gần đây, Tập đoàn võ đường Ngọc Hòa đã có một bước ngoặt quan trọng khi chuyển sang đào tạo và cung cấp vệ sỹ. Mày mò đọc tài liệu, Nguyễn Viết Hòa đã tự soạn thảo một giáo án tổng hợp về chương trình đào tạo vệ sỹ.
Và các vệ sỹ từ lò đào tạo của Võ đường Ngọc Hòa đã khẳng định được thương hiệu của mình qua những lần góp phần đảm bảo an ninh cho những hoạt động lớn của đất nước như: Para Games, Sea Games và Hội nghị cấp cao APEC. Vệ sỹ của Võ đường Ngọc Hòa còn được tín nhiệm bảo vệ các yếu nhân trong những sự kiện...
Nguyễn Viết Hòa nói về triết lý kinh doanh của mình
“Ngọc dù có đập tan vẫn giữ được màu sáng trong của nó. Người dù có chết thì tiếng tăm vẫn để lại muôn đời...”. Câu nói nổi tiếng về lòng trung thành, nghĩa khí của Quan Vân Trường trong “Tam quốc diễn nghĩa” đã trở thành thước đo phẩm giá con người và phương châm trong kinh doanh của tôi.
Tôi quan niệm: “Cuộc sống dù có thế nào thì cũng phải giữ cho được phẩm chất tốt. Trong kinh doanh cũng vậy, chất lượng và chữ tín phải được đặt lên hàng đầu”. Đó chính là “cẩm nang” kinh doanh của tôi.
Cái “chất” ấy của Hòa đã được thể hiện ngay khi còn nhiều gian khổ nhưng anh đã tiết kiệm chi tiêu mua 14 xe đạp, một xe máy để tặng các học trò nghèo của mình ở quê, một xe máy để tặng một bạn có hoàn cảnh neo đơn ở Hà Nội. Năm 1999, trước cảnh lũ lụt ở miền Trung, thầy trò võ đường đã quyên góp được 14 triệu đồng.
Hòa cùng một trợ giáo của mình rong ruổi trên chiếc Cúp 81 từ Hà Nội vào Hương Trà (Huế) trao trực tiếp cho các em học trò nghèo. Mua được căn nhà nhỏ ở Phùng Khoang, cảm thông với các em có hoàn cảnh khó khăn, Hòa mở rộng lòng đón 8 môn sinh về ở. Bản thân anh chỉ dành cho mình một phòng nhỏ mà 3/4 diện tích được dùng để sách và thuốc phục vụ cho việc học và dạy võ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn